Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2015

Giới trẻ Sài Gòn đổ xô học đàn guitar trong dịp nghỉ hè

Hè đến, không còn vướng bận học tập, không chỉ các bậc phụ huynh quyết định cho con em mình đi học nhạc mà nhiều học sinh sinh viên rủ nhau đi học đàn để thỏa đam mê và biết thêm một bộ môn nghệ thuật giải trí bổ ích.
Lê Hoàng Oanh, sinh viên đại học Kinh tế, TP HCM, chia sẻ: “Thấy các bạn trai ôm đàn guitar chơi, mình mê lắm. Một người đàn mà mọi người xoay quanh ca hát, vui ơi là vui". Nghĩ rằng con gái chơi đàn này nhìn sẽ cá tính và mạnh mẽ hơn, thế là nữ sinh này quyết tâm đi học cho "bằng người ta". Sau một thời gian học, cô gái 9x đã nắm được nhạc lý căn bản, bắt đầu chơi đàn và hát được một số bản nhạc quen thuộc điệu Walt, Slow, Tango...
Tại công viên 30/4, ngồi ôm cây đàn, Oanh tỉa những nốt nhạc của bài hát Cây đàn sinh viên và lắc lư theo giai điệu: "Đời sinh viên có cây đàn guitar. Đàn ngân lên chúng ta cùng hòa ca. Có anh bạn xa nhà, có cô bạn nhớ cha cất vang cùng lời ca...". Nghe giọng hát trong trẻo của cô gái, vài người bạn khác cũng hòa theo, có người còn hát bè tạo nên một giàn "hợp xướng tự phát" thu hút mọi ánh nhìn.
hoc-dan-1.jpg
Các khóa học đàn guitar mùa hè ở TP HCM thu hút nhiều bạn trẻ tham gia. Ảnh: SEA Guitar.

Thuộc top "tuổi trẻ tài cao" trong lớp, Trần Hoàng Huy, học sinh lớp 6 của trường quốc tế AIS, không giấu được niềm vui khi nói về guitar: “Em học đàn gần một năm rồi, giờ đã đệm được khá nhiều bản nhạc. Lúc trước em chỉ thích chơi điện tử, đi đâu cũng phải có iPad, nhưng từ khi mẹ cho đi học guitar, bây giờ đi chơi với gia đình em luôn cầm theo cây đàn".
Huy cho biết, trước đây mê chơi điện tử, em hay ngồi một góc, chơi một mình, không giao tiếp với ai. Từ khi biết đàn, em bắt đầu bước khỏi "vỏ ốc" của mình và mang lại niềm vui cho cả nhà lúc rảnh rỗi. "Nhiều lúc em đệm cho em gái vừa hát vừa múa, bố mẹ cũng ngẫu hứng hát theo, thế là thành nhóm nhạc gia đình". Cậu bé nhoẻn miệng cười đầy tự hào cho biết hè này, cô em gái cũng đăng ký đi học đàn cùng với anh.
Đưa cô con gái "rượu" đến lớp học rồi ra ngoài ngồi chờ, chị Nguyệt Thu, quận 10, tâm sự: “Vì muốn con mạnh dạn hơn, với lại mình hiểu học đàn còn giúp trẻ thông minh, sáng tạo hơn nên đã cho con theo học một lớp đàn Ukulele. Học nhạc cụ cũng là cách để cháu được thoải mái, vui vẻ sau một thời gian học hành căng thẳng".
Bà mẹ trẻ cho biết, từ ngày biết tập đàn hát, con chị trở nên tự tin hơn nhiều, không còn ngại ngùng như trước. Bé có thể đứng trước mọi người để vừa đàn vừa hát. "Hôm rồi, sinh nhật ba nó, con bé vừa ôm đàn vừa hát chúc mừng sinh nhật thật cảm động. Nhiều người hỏi chỗ học để cho con họ đi học đàn như con mình", chị Nguyệt Thu kể.
Thầy Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm, đồng sáng lập Hội Guitar Đông Nam Á, bày tỏ niềm vui khi ngày càng nhiều bạn trẻ quay trở lại với sở thích học nhạc cụ truyền thống như guitar. "Tiếng đàn không chỉ giúp bạn hòa mình với âm nhạc, giải tỏa mọi căng thẳng mà còn khiến bạn tự tin thể hiện bản thân", giáo viên trẻ nhận xét.
Hiện nay, có rất nhiều trung tâm dạy đàn được mở ra nhằm phục vụ nhu cầu học đàn, song làm thế nào để chọn được một cơ sở giáo dục chất lượng vẫn còn là điều khiến nhiều người băn khoăn. Với kinh nghiệm 13 năm chơi nhiều thể loại như POP, Semi-classic, Finger Style, thầy Tuấn khuyên các bạn trẻ muốn lựa chọn trung tâm dạy đàn có chất lượng theo 6 tiêu chí sau đây:
1. Phương pháp giảng dạy
Bên cạnh hướng dẫn sử dụng nhạc cụ, hãy xem giáo viên của trung tâm đó có chú trọng đào tạo nhạc lý để học viên nắm vững kiến thức không. Với nền tảng nhạc lý vững chắc, học viên sẽ dễ dàng xử lý các bản nhạc theo phong cách riêng.
Tiến trình dạy và học cần được trung tâm cam kết từ đầu với học viên. Phương pháp dạy hiện đại, bài giảng được hệ thống giúp học viên nắm được kiến thức cũng như năng khiếu một cách hiệu quả và tiết kiệm thời gian nhất. Bên cạnh đó, các cơ sở dạy đàn bài bản còn chú trọng kiểm tra đánh giá sau mỗi khóa học.
2. Chất lượng giảng viên
Giảng viên tốt là yếu tố thiết yếu cho việc học guitar. Thầy hoặc cô giỏi cần khả năng sư phạm, tốt nghiệp từ các học viện, trung tâm sư phạm âm nhạc, giàu kinh nghiệm, nhiệt tình với công tác giảng dạy, biết cách truyền đạt cảm hứng giúp học viên yêu thích và đam mê.
3. Giáo trình
Giáo trình bao gồm cả lý thuyết và thực tế luyện tập, mang tính ứng dụng cao để học viên dễ dàng tiếp thu. Nhiều trung tâm sẽ sử dụng giáo trình biên soạn riêng nhưng cần có nguồn tham khảo đáng tin cậy.
4. Sự gắn kết giữa học viên và trung tâm
Mọi hoạt động kinh doanh, nhất là kinh doanh giáo dục phải lấy học viên làm trọng tâm phục vụ. Bên cạnh công tác giảng dạy, trung tâm cần có những công cụ theo dõi tiến độ học tập của mỗi học viên như sổ liên lạc, phiếu theo dõi học tập. Số lượng học viên chỉ nên 6-10 người trong một lớp. Học nhạc là học kỹ năng nên cần cầm tay chỉ trực tiếp, số lượng càng ít càng học được nhiều. Nếu trung tâm có tổ chức các buổi học ngoại khóa giúp học viên có thêm nhiều kiến thức thực tiễn, giao lưu học hỏi lẫn nhau sẽ là một điểm cộng.
5. Địa điểm
Bạn nên tìm hiểu xem địa điểm học có hợp với sở thích cá nhân không (ví dụ như không gian xung quanh yên tĩnh), thuận tiện cho việc đi lại từ nhà, trường học, công sở đến trung tâm dạy đàn.
6. Cơ sở vật chất tại trung tâm
Các trang thiết bị như đàn, bàn ghế, giá để sách cần được trang bị đầy đủ, ánh sáng và nhiệt độ phòng đúng chuẩn giúp người học thoải mái là những điều bạn cần quan tâm.
Hiện nay, một số trung tâm dạy đàn lớn ở các nước phát triển đang áp dụng công nghệ hiện đại vào giảng dạy. Ví dụ sử dụng hệ thống Head-Amps (tai nghe trực tiếp với đàn) giúp học viên tập trung vào âm thanh đàn của riêng mình mà không bị ảnh hưởng bởi các học viên khác. "Để có thể đánh giá chính xác nhất trước khi chọn mặt gửi vàng, bạn nên yêu cầu tham gia dự thính hoặc học thử trước rồi mới quyết địn", thầy Tuấn Anh lưu ý.
Nguồn báo vnexpress ngày 30/05

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét