Thứ Năm, 18 tháng 12, 2014

Chơi nhạc giúp trẻ thông minh hơn

Âm nhạc là điều không thể thiếu trong đời sống, đó là điều bất kỳ ai cũng thừa nhận. Nhưng làm sao để có thể thu nhận được lợi ích nhiều nhất từ âm nhạc là điều không phải ai cũng hiểu rõ.
Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng: khi một đứa trẻ học chơi nhạc, não của bé nghe và xử lý những âm thanh mà lẽ ra chúng không phải làm nếu không nghe nhạc. Điều này giúp trẻ em phát triển khả năng phân biệt của hệ thần kinh giữa những âm thanh khác nhau, có tác dụng hỗ trợ cho việc học tập và giúp cải thiện kết quả học tập của trẻ.

Một nghiên cứu mới đây của trường Đại học Tây Bắc, Chicago, Mỹ, cho thấy, để đạt được lợi ích tối đa của việc này, trẻ cần phải tham gia vào việc học nhạc một cách năng động và tích cực. Một trong những đồng tác giả của nghiên cứu, giám đốc Phòng thí nghiệm thần kinh thính giác của trường, bà Nina Kraus, cho biết: “Thậm chí trong một nhóm học viên tích cực, những sự khác biệt nhỏ trong việc tham gia cũng có thể giúp tiên đoán được khả năng xử lý của hệ thần kinh của từng người”.


Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy, những trẻ chơi một loại nhạc cụ  ( pianoguitar, organ, ukuleletrống,kèn harmonica,....) nào đó có khả năng xử lý tốt hơn những trẻ chỉ nghe nhạc. Bà Kraus nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn nói đến việc tạo ra “âm nhạc vật chất”, bởi vì chỉ thông qua việc tạo ra và thao tác với âm thanh mà âm nhạc có thể làm mới não bộ của trẻ”. Theo bà, kết quả nghiên cứu này củng cố thêm quan điểm cho rằng những hoạt động âm nhạc tích cực có thể giúp kích thích những thay đổi trong não bộ.

 
Nhóm nghiên cứu của trường Đại học Tây Bắc đã hợp tác với Dự án Harmony, một chương trình âm nhạc cộng đồng dành cho trẻ em nghèo tại Los Angeles, sau khi người sáng lập dự án này cung cấp cho bà Kraus những bằng chứng khoa học đằng sau những thành công của chương trình.
Chơi nhạc rất có lợi cho trẻ về mặt phát triển trí tuệ
Theo website của dự án, kể từ năm 2008, 93% các em tham gia dự án đã vào đại học, trong khi tỉ lệ trẻ em bỏ học ở các khu vực lân cận không tham gia dự án là 50 %, thậm chí cao hơn. Con số đó gây ấn tượng mạnh đến nỗi nhóm của Kraus đã thực hiện một cuộc nghiên cứu để khảo sát cụ thể về kết quả này. Và kết quả khảo sát, được công bố trên tạp chí Khoa học thần kinh số tháng 9/2014, đã đưa ra những bằng chứng trực tiếp cho thấy các khóa học âm nhạc có tác động tích cực trong việc phát triển thần kinh của trẻ.
Tiếp theo đó, nhóm nghiên cứu đi tìm hiểu sâu hơn về ảnh hưởng của mức độ tham gia vào âm nhạc, và kết quả cũng cho thấy điều này rất quan trọng. Sau 2 năm nghiên cứu, họ nhận thấy rằng những trẻ tập luyện chơi nhạc tích cực có kết quả học tập tốt hơn hẳn những em có tham gia vào các lớp học âm nhạc nhưng ít tập luyện hơn.
“Điều đó chỉ ra rằng, chơi nhạc là rất quan trọng”, Kraus nói, đề cập đến sự khác biệt trong kết quả nghiên cứu của nhóm bà với quan điểm từ trước tới nay cho rằng chỉ cần nghe một loại nhạc nào đó cũng có thể cải thiện trí thông minh, còn được gọi là “hiệu ứng Mozart”. “Chúng tôi không thấy có sự thay đổi sinh học nào đối với những người chỉ nghe nhạc mà không chơi nhạc”, bà nói, “cũng như bạn không thể có sức khỏe chỉ bằng việc xem các môn thể thao vậy”.
Vấn đề còn lại là các bậc phụ huynh làm cách nào để con họ cảm thấy yêu thích một loại nhạc cụ và gắn bó với nó thay vì lãng phí thời gian với những trò game online trên máy tính hoặc những trò vô bổ khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét