Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

Tấm gương tốt: Ông Sáu cụt tay chơi đàn guitar phím lõm điêu luyện

1. Phiêu bạt cùng đoàn gánh hát
Sinh ra trong một gia đình làm nghề chài lưới ven cửa biển dưới chân Tháp Bà Ponagar, từ thủa mười lăm, khi theo chúng bạn đi đánh cá, cậu thanh niên Ngô Văn Sáu (sinh năm 1952, phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang) đã bị mê hoặc bởi tiếng đàn réo rắt, tiếng hát dập dìu theo nhịp lắc của chiếc thuyền câu. Khi đó, những đêm trăng thanh gió mát, Sáu thường cùng chúng bạn ôm đàn bập bùng hát hò thâu đêm. Niềm đam mê về đàn guitar cứ ngấm dần vào máu của chàng thanh niên vùng biển.
Rồi một ngày, khi đó ông Sáu mới tròn 20 tuổi, gánh hát từ Sài Gòn ra Nha Trang biểu diễn cải lương. Tiếng đàn guitar phím lõm của thầy Minh Đức đã làm mê mẩn trái tim chàng trai xứ biển. Ông Sáu tìm mọi cách để được gặp thầy Minh Đức, rồi xin đi theo thầy làm học trò. Những tháng ngày theo gánh hát rong ruổi khắp các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, miền Tây biểu diễn kiếm cơm đã giúp ông Sáu từ làm quen đến chơi gần như thành thạo cây đàn guitar phím lõm.
Ông Sáu nhớ lại chi sẻ: "Mẹ mất từ năm tôi 1 tuổi. Đến năm tôi 17 tuổi, ba cũng qua đời. Nhà có 7 anh chị em, tôi là út, nhưng ai cũng nghèo, chật vật lo cơm áo gạo tiền. Ngày gặp thầy Minh Đức như là định mệnh, vì chẳng còn vướng bận gia đình nên tôi quyết chí xin theo thầy. Thầy vừa gật đầu là tôi chạy ù về nhà xếp vài bộ quần áo rồi chào người thân lên đường".
Theo gánh hát của thầy Minh Đức được hơn 3 năm thì gánh hát tan rã. Nhờ tình yêu và năng khiếu trời phú, ông Sáu đã kịp học thành thạo các làn điệu của loại nhạc cụ này. Những bài như: Ngựa ô Bắc, Ngựa ô Nam, Nam ai, Nam xuân, Phượng hoàng... đều được ông đánh thành thạo. Khi đó ở Sài Gòn có đoàn Thủ Đô Vạn Đại đang thiếu tay đờn, vậy là ông Sáu qua làm tay đờn chính và lại tiếp tục những ngày rong ruổi khắp các tỉnh, thỏa niềm đam mê với cây đàn.
2 năm sau, ông lại theo một gánh hát lên Đà Lạt biểu diễn. Sau đó, ông bị quân đội ngụy bắt đi huấn luyện ở Buôn Ma Thuột 2 năm rồi đưa ra chiến trường. Trong một cuộc chiến đấu mà ông không hề mong muốn, ông đã bị trúng mảnh bom và nửa cánh tay phải của ông không còn.
chay bong tinh yeu am nhac voi phim dan
Ông Sáu cùng cánh tay giả - ảnh nguồn Khánh Hoà Online

2. Chơi đàn bằng tay giả
Những ngày nằm viện ở Nha Trang để điều trị vết thương, trái tim ông Sáu như bị bóp nghẹt vì những ngón tay trước đây lả lướt theo từng dây đàn đã không còn. Nằm trên giường bệnh, ông luôn đau đáu tình yêu với cây đàn guitar phím lõm và nghĩ: "Liệu mình sẽ cầm đàn như thế nào khi chỉ còn một tay?". Không nản chí, khi vết thương vừa lành, ông tìm đến người bạn thân nhờ thiết kế một cánh tay giả bằng gỗ, nối liền với đoạn tay bị cụt. Đầu cánh tay là thanh sắt lòi ra, chẻ đôi, gắn vào đó một phím để gẩy đàn. Khi đã làm xong, ông Sáu đeo vào rồi choàng dây qua cổ để tay giả khỏi rơi, cứ thế kiên trì tập luyện.
Ông Sáu chia sẻ trong những ngày khổ luyện: "Cánh tay giả không có cảm giác gì cả. Chỉ riêng chuyện gẩy sao cho đúng từ dây 1 đến dây 5 cũng quá cực khổ. Có những lúc muốn bỏ cuộc, ném cây đàn vào góc nhà, nhưng chỉ được nửa ngày tôi lại ôm lấy nó",
chay bong tinh yeu am nhac voi phim dan
Cánh tay giả bằng gỗ, nối liền với đoạn tay bị cụt. Đầu cánh tay là thanh sắt lòi ra, chẻ đôi, gắn vào đó một phím để gẩy đàn của  Ông Sáu - ảnh nguồn Khánh Hoà Online
Sau hơn 1 năm luyện tập, cánh tay giả với cái móc sắt kẹp phím nhựa đã trở lên điêu luyện. Dường như có một sức mạnh thần bí trong con người ông. Từng nhịp đàn của ông ngân vang, mà những người đã nghe ông chơi đàn sẽ không phát hiện nó được gẩy bởi cánh tay giả, còn những người chưa từng gặp ông sẽ không tin ông có thể làm được điều đó khi đã bị mất một cánh tay. Tiếng lành đồn xa. Bắt đầu từ những năm 1976 - 1977 ông Sáu đã được nhiều nơi mời đi biểu diễn. Sau đó, nhiều học trò ở Khánh Hòa và các tỉnh miền Tây, miền Trung lần lượt đến xin được theo ông học đàn. Có người học để làm nghề kiếm cơm, nhưng đa số là học vì đam mê, vì yêu tiếng đàn guitar phím lõm dẫn dắt nhịp điệu cải lương Nam bộ. Ông Sáu thu học phí cũng rất "nghệ sĩ", ai muốn đưa bao nhiêu cũng được, miễn là phải học nghiêm túc và yêu tiếng đàn.
Đến nay, ông Sáu không thể nhớ hết đã có bao nhiêu học trò tìm đến ông học đàn. Nhưng thi thoảng có người từ miền trong ra Nha Trang ghé nhà ông chơi, biếu ông chút quà, rồi thầy trò cùng nhau ôn lại kỷ niệm, say sưa nói chuyện về đờn ca tài tử. "Theo nghiệp đờn ca tài tử chẳng ai giàu có, đủ sống để lo cơm áo gạo tiền, không giết chết niềm đam mê là may lắm rồi. Vì vậy, muốn theo nghiệp đàn như tôi phải có tình yêu và niềm đam mê mãnh liệt", ông Sáu tâm sự.
Nhìn dáng người nhỏ bé, mái tóc đã điểm bạc với cánh tay giả bập bùng réo rắt theo nhịp đàn, càng khâm phục tình yêu nghệ thuật cháy bỏng và nghị lực phi thường của ông!
3. Tiếng đàn bay qua tháp cổ
Hết lớp học trò này đến lớp học trò khác lần lượt đến rồi đi. Ông Sáu vẫn ngồi đó, bên tháp cổ với tiếng đàn dập dìu, âm đục, âm trong. Ông đã truyền lại nghề cho biết bao học trò, để tiếng đàn của ông có mặt khắp các tỉnh miền Tây, miền Trung và đặc biệt ở Khánh Hòa như tâm nguyện của "đờn sĩ một tay": "Tiếng đàn đã bay qua tháp cổ". Một số học trò của ông còn tập hợp thành một nhóm, thường xuyên sinh hoạt với nhau như một câu lạc bộ đờn ca tài tử. Những khi có show diễn, ông Sáu lại tập hợp nhóm đi cùng, khi thì đến Trung tâm Phục hồi chức năng tỉnh, khi thì đến Trung tâm Chăm sóc người có công... Trong câu lạc bộ của ông Sáu, người làm giáo viên, bộ đội, người buôn bán... nhưng vẫn nhiệt tình mỗi khi có chương trình giao lưu, biểu diễn. Thù lao không đáng là bao nhưng được thỏa chí đam mê, được mang tiếng đàn đến với công chúng.

Anh Cao Văn Đạt, học trò của ông Sáu cho biết: "Người lành lặn mà muốn chơi được loại guitar phím lõm cũng không phải dễ. Còn bị mất một tay mà vẫn chơi một cách điêu luyện, nghệ sĩ như thầy thì quả là xưa nay hiếm. Hơn một năm theo học, tôi cảm nhận thầy Sáu có một khả năng đặc biệt nào đó. Thầy không giấu một ngón nghề nào, còn khả năng tiếp thu tùy thuộc vào mỗi người". Anh Đạt là người Bạc Liêu, là bộ đội đóng quân ở Nha Trang, vốn mê đờn ca tài tử từ bé nên vừa nghe tiếng thầy Sáu đã đến xin học.
Vào mỗi buổi tối Thứ tư và Thứ bảy hàng tuần, câu lạc bộ của ông Sáu lại sinh hoạt giao lưu đờn ca tài tử sau lưng Tháp Bà Ponagar. Nét văn hóa này được duy trì thường xuyên từ nhiều năm nay. Nó đã trở thành thói quen âm nhạc của người dân xứ biển ở khu vực này. Sau một ngày làm việc mệt nhọc, họ lại đến "nhạc quán" của ông Sáu để nghe ông đờn và con gái ông ca."“Tuổi cao, người lại mang nhiều bệnh tật nên không biết còn cầm đàn được bao lâu. Chỉ mong truyền lại được hết các món nghề cho ai đó đam mê, để tiếng đàn còn vang mãi", ông Sáu bùi ngùi tâm sự.

VĂN KỲ
Nguồn báo Khánh Hoà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét